Văn hóa Việt: Nghê Việt Nam

Con nghê trong văn hoá Việt: “Gã linh vật chầu rìa độc đáo nhất trong nghệ thuật cổ truyền của người Việt”

Một tuyến nhân vật quan trọng bảo vệ sự bình an của Linh Giới đó là dòng họ nhà Nghê. Hình tượng “Nghê” trên phim cũng có phần khác biệt và độc đáo. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn cảm hứng lớn của đội ngũ sáng tạo Sun Wolf Animation Studio nhé.

Bởi vì nghê là một linh vật không có thật mà là linh vật hư cấu nên suốt chặng đường lịch sử và văn hoá của nước ta, các nghệ nhân dân gian xưa đã có nhiều sự sáng tạo, thay đổi để rồi nghê có một sự lai tạo với chó – con vật thân thuộc, gần gũi với người dân Việt.

Nguồn: Wikipedia, Báo Pháp luật, nghiencuulichsu.com, vietnamplus, vanmieu.gov, tuoitre

Những con linh vật luôn đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá dân gian, thần thoại của Việt Nam. Đó chính là những con vật có thật hoặc là một sản phẩm từ sự sáng tạo của dân gian, được sử dụng như một cách để thể hiện một sự hy vọng, niềm tin nào đó. Nào là rồng, kỳ lân, rùa, phượng… mỗi một linh vật đều có vai trò riêng biệt, cũng như mang những ý nghĩa biểu tượng văn hoá khác nhau. Trong quá trình phát triển, văn hoá Việt Nam có một sự tiếp biến, giao thoa với các nền văn hoá khác nhau và cũng từ đó, các linh vật cũng ngày càng có sự đa dạng nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Đã nhắc đến linh vật của văn hoá Việt Nam, không thể nào không nhắc tới con nghê, một linh vật phổ biến trong văn hoá Việt, mang đậm bản sắc dân tộc ta, mà theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế - Chủ biên cuốn sách “Phác họa Nghê - Gã linh vât bên rìa” - cho biết: “Nghê đích thực là gã linh vật chầu rìa độc đáo nhất trong nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Dù chỉ là phác họa ban đầu, khuôn mặt nghê hiện ra lúc thì trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai”. Bạn đã từng nghe kể về những chú nghê chưa?

Nguồn ảnh: Wikipedia

XUẤT xỨ CỦA NGHÊ

Dọc chiều dài lịch sử và văn hoá nước Việt, nghê được nhắc đến rất nhiều từ trong thơ ca đến kiến trúc như ở đình, chùa, hay đặc biệt là tại cung đình. Hình ảnh con nghê ngồi hai bên cửa đền hoặc trên đỉnh cột trụ trước sân đình từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt. Thế nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu về linh vật mang đậm bản sắc Việt này.

Theo nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: “Nghê là con vật mang tính hư cấu và chính sự hư cấu này tạo nên bản sắc Việt cho nghê. Nó thể hiện sự sáng tạo của những người nghệ nhân Việt”.

Vậy nghê là linh vật như thế nào? Tác giả Huỳnh Thiệu Phong từng giới thiệu về nghê trong bài “Mấy vấn đề về nguồn gốc, đặc điểm của biểu tượng “Nghê” trong văn hóa Việt Nam”. Trong bài viết ghi rõ, theo truyền thuyết Chín đứa con của rồng (Long sinh cửu tử) thì Nghê là 1 trong số 9 đứa con của rồng, nhưng nghê thời đó có 2 tên. Trong tài liệu Tiềm Xác Loại Thư, nghê có tên đầy đủ là Toan Nghê và theo Tham Khảo Tạp Ký, Nghê lại có tên là Kim Nghê.

Tuy nhiên, nếu xét kĩ lưỡng, đặc điểm của Toan Nghê và Kim Nghê lại khác nhau: Toan Nghê thích nghỉ ngơi, đôi khi bị đồng hoá với sư tử, còn Kim Nghê lại thích nuốt lửa, nhả khói. Toan Nghê thường được chạm khắc vào ngai, trường kỷ, còn Kim Nghê lại là con vật thường dùng để cưỡi.

Tượng nghê ở Bảo tàng Mỹ thuật (Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Theo các nhà nghiên cứu, có thể xem nghê là một linh vật lai của 3 nền văn hoá Việt - Ấn - Hoa. Trong lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của một dân tộc, sự giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa các nước là điều tất yếu. Văn minh của Trung Hoa và Ấn Độ có một sự tác động mạnh mẽ đến sự hình thành văn hoá của dân tộc Việt ta, giúp nền văn hoá dân tộc thêm đa dạng. Con nghê chỉ là một trong vô số các yếu tố văn hóa mà người Việt đã học hỏi từ văn hóa nước láng giềng và sáng tạo thêm để biến thành sản phẩm văn hóa của riêng mình. Khi nghê “thai nghén và dần tượng hình” trong văn hoá Việt Nam, người xưa đã thay đổi hoàn toàn ngoại hình, đặc điểm và nhiệm vụ của nghê, biến nó trở thành một linh vật hoàn toàn thuần Việt.

Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa nghê và lân nhưng thực ra thì ở 2 con linh vật này có sự khác biệt khá rõ nét. Theo thư tịch cổ Trung Hoa, kỳ lân vốn xuất xứ từ hươu nên sơ khai giống hươu, dấu vết của hươu ở thân, chân, sừng mềm, chân có hai móng, về sau được cách điệu cao, biến dạng thành đầu rộng, bờm sư tử, đuôi bò, thân phủ vẩy như rồng, 5 móng… Còn nghê thì lại có dạng sư tử thu nhỏ: bờm xoắn mà không có sừng, thân phủ lông chứ không vẩy, đuôi chùm xòe ra từng lọn, bàn chân nhiều móng phủ lông. Trong 3 quyển từ điển: Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Dictionarium Anamitico Latium (Từ điển Annam – La tinh) của J.L.Taberd, Từ điển Thiều Chửu cũng có đề cập đến vấn đề này.

Tuy nhiên, bởi vì nghê là một linh vật không có thật mà là linh vật hư cấu nên suốt chặng đường lịch sử và văn hoá của nước ta, các nghệ nhân dân gian xưa đã có nhiều sự sáng tạo, thay đổi để rồi nghê đã là một sự lai tạo với chó – con vật thân thuộc, gần gũi với người dân Việt. Nhưng tại sao lại là con chó? Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, con chó trong nghệ thuật dân gian người Việt vốn là biểu tượng giản dị và không được sánh ngang với các linh vật “cao cấp” khác như kỳ lân hay rồng… Tuy nhiên, đến khi văn hoá Khổng – Nho được du nhập từ Trung Hoa đến Việt Nam thì biểu tượng này lại được nâng tầm lên để có thể đảm nhận những vai trò và nhiệm vụ mới. Thế nên rất có thể các nghệ nhân dân gian xưa đã thêm vào nhiều đặc tính để “đẳng cấp hóa” những linh vật canh cửa của mình.

Nghê trong hình dáng đang chầu ở đền vua Lê Thánh Tông (Nguồn ảnh Nguyễn Đình)

Còn nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế trong bài viết “Nhận thức tính phổ quát liên văn hóa trong mỹ thuật cổ truyền qua ví dụ hình tượng con nghê ở đền miếu” có nói rằng: “Bản thân chữ nghê trong tiếng Hán gồm bộ cẩu (chó) và chữ nhi (trẻ con) hợp thành”. Hay nói khác đi, con nghê chính là con chó biến điệu ra.

HÌNH ẢNH NGHÊ QUA CÁC THỜI KỲ VÀ VAI TRÒ CỦA NGHÊ

Tạo hình của nghê thực sự đặc sắc và thú vị. Giống như những linh vật hư cấu khác, dưới sự sáng tạo của người Việt, nghê không có hình dáng cố định. Tạo hình của nghê trải qua các thời kỳ lịch sử có một sự thay đổi rõ rệt và tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Từ sư tử nghê cho đến long nghê, kỳ lân nghê và khuyển nghê nhưng nhìn chung, tất cả đều thể hiện được sự bình dị, dân dã, tính cách gần gũi, thân quen của nghê trong đời sống tinh thần của người Việt.

Sư tử nghê thường có thân mập và ngắn, xuất hiện nhiều trong mỹ thuật thời Lý - Trần. Còn long nghê thì xuất hiện ở thời Lê Trung Hưng (giai đoạn sau của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê) với đầu rồng, miệng lớn, râu dài, bắp chân có chớp lửa, thường thấy trên bờ mái các công trình kiến trúc với tên gọi con kìm. Kỳ lân nghê xuất hiện ở cả thời Lê Trung Hưng lẫn thời Nguyễn nhưng có sự khác biệt. Thời Lê Trung Hưng, kỳ lân nghê mình có vẩy, lưng có sừng, thường đứng chầu ở bên hương án, cửa khám; còn tại thời Nguyễn, kỳ lân nghê lại không có sừng và được ưu ái đứng ở nơi tôn nghiêm như điện Thái Hoà tại Kinh thành Huế. Còn khuyển nghê thì mình không vảy mà tròn, đầu không sừng, thường đội bảng văn hay cối cửa, thành bậc.

Long Nghê trong hình dáng đang chầu ở Lăng Dinh Hương. (Ảnh: Nguyễn Đình)

Bất cứ một linh vật nào trong văn hoá Việt Nam cũng đều có một vai trò riêng và nghê cũng không ngoại lệ. Theo Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, nghê có hai chức năng cơ bản: chào đón hoặc thể hiện sự thương cảm. Tới thời Nguyễn, nghê có thêm một ý nghĩa nữa là con vật soi xét, phân biệt tà - chính.

Nếu rồng, phượng được biết đến với những vai trò vĩ đại như vương quyền thiên tử, mẫu nghi thiên hạ thì nghê lại có chức năng “chầu”. Trong dân gian có câu “Làm phượng thì múa làm nghê thì chầu”, hay “Mỗi người đều có một nghề - con phượng thì múa, con nghê thì chầu”.

Nhưng nghê chầu chứ không phải là hầu. Vì hầu là từ dùng cho kẻ phục dịch, còn chầu thì dành cho những vị quan, vị tướng đến chầu vua chúa. Nghê cũng oai lắm chứ nhỉ!

Một điều đáng chú ý là nghê khi chầu, nhìn nó không hung hăng, dữ dằn, hay dọa nạt, ra uy mà lại trông thân thiện, gần gũi. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nghê ở hai bên trụ cổng các ngôi đình, ở dưới cánh cửa, nhưng cũng có lúc nghê "được cho" ngồi trên mái, trên bệ trông vô cùng uy nghi, lẫm liệt.

Không chỉ vậy, nghê còn có mặt ở lăng mộ như lăng Dinh Hương, lăng Quận Nghi, lăng họ Ngọ với bộ dạng miệng há to. Nhưng nghê không phải hăm dọa ai cả mà như thể đang kêu những tiếng rên thống thiết, thể hiện lòng kính cẩn thương xót, bày tỏ niềm đau đớn.

Đôi nghê chấu trước hương án Linh Quang Từ (Lăng Họ Ngọ) (Ảnh: Nguyễn Đình)

Trong văn hoá dân gian Việt Nam, mỗi loại nghê sẽ mang những ý nghĩa khác nhau như thể hiện lòng trung thành, ngay thẳng, chính trực… và có thể nói rằng hiếm có linh vật nào mang nhiều ý nghĩa như con nghê. Như Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế từng viết trong quyển Phác họa Nghê- gã linh vật bên rìa: “Khuôn mặt nghê hiện ra lúc thì trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai”.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Đại Lâm Mộc