Văn hóa Việt: con lợn trong văn hóa Việt Nam.

Từ khi tổ tiên ta biết săn bắn hái lượm, con lợn đã xuất hiện trong tự nhiên như một nguồn thức ăn chính yếu. Qua thời gian, con người đã thuần hoá giống loài được xem là “khá hung dữ” trong tự nhiên này, biến chúng thành một giống vật nuôi quan trọng bậc nhất trong đời sống con người. Chính vì sự gắn bó với con người từ xa xưa, con lợn giữ một vị trí quan trọng trong văn hoá Á Đông nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng, là một trong “Lục súc” (các loại gia súc nuôi gần nhà)” và là con giáp cuối cùng trong “12 con giáp”.

Con lợn trong đời sống và ẩm thực Việt Nam.

Lợn là loài động vật quá quen thuộc và gần gũi với người Việt Nam, vì vậy chúng ta có rất nhiều tên gọi cho nó, ví dụ: heo, lợn, ỉn, hợi, trư. Như đã đề cập, con người đã thuần hoá lợn rừng thành lợn nhà, rồi từ giống lợn nhà cho ra vô số các món ăn mạng đậm bản sắc Việt. Có thể kể đến những món như bên dưới:

Bún bò giò heo - Đặc sản xứ Huế Nguồn: pasgo.vn

Giò lụa (một đặc sản của người Việt được Nguyễn Tuân viết rất tỉ mỉ)

“Nhân” cho các loại bánh như: bánh giò, bánh chưng, bánh cuốn (đặc trưng của Tết Việt Nam)

Bún bò giò heo (đặc sản xứ Huế)

Món thịt kho tàu không thể thiếu trong ngày Tết của người Sài Gòn, Nam Bộ Việt Nam.

Việt Nam có hơn 20 giống lợn, trong đó không thể kể đến giống “heo đen” Nghệ An với chế độ chăn nuôi đặc biệt: thả rông, thức ăn chủ yếu là rau rừng, chuối, khoai, sắn...

Không chỉ thịt lợi, những bộ phận khác của con lợn cũng được sử dụng triệt để. Ví dụ da lợn được sử dụng làm “bóng bì”, một món ăn có thể kết hợp để nấu canh, nấu chè. Nội tạng của lợn cũng được sử dụng như một món ăn (lòng lợn), đặc trưng là món cháo lòng. Răng nanh lợn lòi, lợn cỏ, lợn rừng được người Tây Bắc, Tây Nguyên, Việt Bắc chế biến thành đồ trang sức (thường là vòng cổ) và đôi lúc còn mang giá trị tâm linh (như để trừ tà).

Con lợn trong lễ nghi phong tục, ca dao tục ngữ Việt Nam.

Lễ rước ông Ỷ ở làng La Phù. Nguồn: dangcongsan.vn

Chính vì xuất hiện từ rất sớm và là một phần quan trọng trong đời sống người Việt, lợn đã xuất hiện trong các lễ nghi xưa, được tôn vinh là “Ông Ỷ” trong ngày lễ tế thành hoàng làng. Trước đó là một loạt thủ tục khá phức tạp như chọn ra “Ông Ỷ” trong số những con to khoẻ nhất, sau đó tắm rửa sạch sẽ, cho ăn uống đầy đủ. Người nuôi “Ông Ỷ” phải là người có đức có tài, phải có cả con trai và con gái.

Ngày rước lễ, “Ông Ỷ” được trang trí đẹp đẽ và rước bằng kiệu ra đình làng. Vì tập tính của lợn là ăn ngủ khoẻ, sinh sản nhiều, rất gần với những nét văn hoá của “Tín ngưỡng Phồn thực”, do đó thông qua nghi lễ này, người dân cầu mong mùa màng thuận lợi và một năm ấm no sung túc.

Lợn còn xuất hiện như một thành phần không thể thiếu trong mâm cỗ các ngày đám cưới, đám ma, đám dỗ. Ta có thể bắt gặp hình ảnh con lợn trong rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, một bộ phận “thơ ca dân gian” luôn được bảo tồn và lưu giữ như của báu. Từ những câu tục ngữ như: “Trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo thì lòng mới ngon”, “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”; hay những thành ngữ: “Lợn lành thành lợn què”, “Lợn cưới áo mới”, cho đến những câu cửa miệng trong giao tiếp hàng ngày: “Ăn như lợn”, “Bẩn như lợn”, ta thấy được tầm quan trọng của loài vật này trong đời sống của người Việt ở mọi mặt.

Con lợn trong nghệ thuật vẽ tranh, điêu khắc.

Trong các hang động có dấu vết sinh sống của người tiền sử, người ta tìm thấy hình ảnh những con lợn rừng được khắc sinh động trên vách đá. Lợn là một trong những “nguyên liệu” cho sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật vẽ tranh, điêu khác trong dân gian.

Đàn lợn trong tranh Đông Hồ. Nguồn: Vnexpress.vn

Nổi tiếng nhất có thể kể đến dòng Tranh Đông Hồ. Vì những nét quá đặc trưng và nổi bật về hình ảnh và màu sắc mà dòng tranh này thể hiện, con lợn từ đó trở nên sinh động, đến nỗi nhà thơ Hoàng Cầm đã ưu ái chắp bút ca ngợi:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”

Màu dân tộc sáng bừng trang giấy điệp”.

Những “nét tươi trong” tả chú lợn béo tốt, thể hiện sự cầu chúc một năm viên mãn, sung túc trong tranh Tết như các tranh: “Lợn ăn lá ráy”, “Đàn lợn”; kết hợp với “màu dân tộc”, những màu sắc tươi sáng, rực rỡ được chế tạo từ nguyên liệu dân gian đã làm nên một dòng tranh nghệ thuật có sức sống bền bỉ.

Bên cạnh đó, ta còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh chú lợn trong nghệ thuật làm gốm, điêu khắc. Tuổi thơ hẳn ai cũng biết “con heo đất” đáng yêu, với kích thước to nhỏ khác nhau, lòng rỗng có khắc một rãnh nhỏ trên lưng, dùng để giữ tiền tiết kiệm. Lợn cũng là cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian nặn “tò he” (một đồ chơi của trẻ em Việt Nam), trong bộ tò he “12 con giáp” nổi tiếng rực rỡ và đẹp mắt.

Con lợn cứ thế đi vào đời sống và giữ một phần quan trọng không chỉ trong đời sống sinh hoạt mà còn trong đời sống tâm linh, trong văn hoá, nghệ thuật dân gian của người Việt. Chú ỉn còn là nguồn cảm hứng cho các hoạ sĩ nhà Báo khi tạo dưng nhân vật “Nghệ Trư An” trong phim hoạt hình ngắn “U Linh Tích Ký - Bột thần kỳ”. Mời các bạn xem qua phim ngắn để biết nhân vật “Nghệ Trư An” cùng “Linh giới” sẽ trông như thế nào nhé!

Hình tượng lợn trong phim hoạt hình u linh tích ký: bột thần kỳ

Trong phim hoạt hình U Linh Tích Ký, bác Nghệ Trư An được giới thiệu sớm ngay từ đầu phim. Nhân vật này là một đầu bếp nổi tiếng với tài nấu ăn siêu phàm. Đối với ông, mỗi bữa ăn là một cuộc chiến vì ông dồn hết tâm trí, sức lực để có thể nấu ra một bữa ăn ngon nhất.

Bác Nghệ Trư An là một người mạnh mẽ, kiên trì. Sau một thời gian theo đuổi tinh hoa ẩm thực khắp Linh Giới, ông cũng tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Ông trở về quê nhà và mở ra nhà hàng phục vụ món ăn nổi tiếng đó là Bún Cá nhà Trư.