Nhật ký làm phim: Hội An

Hội An không là quê

Mà là hương, khổ thế

Quên quê, ai có thể

Hương ư? Ôi dễ gì

Chế Lan Viên

Nếu ai đã từng một lần đến Hội An, ắt sẽ cảm nhận được những gì nhà thơ Chế Lan Viên đã bày tỏ qua bốn câu thơ này. Hội An giống như một hương thơm đặc biệt, trầm ấm, phảng phất mà bất cứ ai đã từng ngửi qua cũng sẽ khắc ghi mãi mãi. Ấn tượng về Hội An trong mắt mỗi người có lẽ rất khác nhau, nhưng có thể nói những kiến trúc và con người ở Hội An đã góp một phần không hề nhỏ trong việc xây dựng và lưu giữ dấu ấn cho những du khách lần đầu đến thăm nơi đây.

Hội An là nguồn cảm hứng lớn nhất cho các hoạ sĩ Sun Wolf trong quá trình xây dựng thế giới cho phim ngắn U Linh Tích Ký.

Một thiết kế lấy cảm hứng từ Hội An.

Kiến trúc đa dạng và lưu giữ dấu ấn lịch sử

Nhắc đến Hội An, ta nghĩ ngay đến bộ đôi từ "cổ và cũ". Hội An khoác lên mình vẻ ngoài cổ kính, trầm mặc là nhờ có những kiến trúc được xây dựng từ rất lâu trước đó, mà theo một vài tài liệu là từ thế kỷ thứ XVI.

Vào khoảng thời gian này đến cuối thế kỷ XIX, Hội An được biết đến như là một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất của khu vực Đông Nam Á, là điểm dừng quan trọng trên con đường mà các tàu lái buôn của các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản đi qua. Đặc biệt trong thời kỳ phân tranh Trịnh - Nguyễn, các Chúa Nguyễn đã cho phép và khuyến khích các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản lấy vợ sinh con, lập nghiệp trên đất Hội An. Cho đến nay, hầu như các hội quán lớn đẹp còn tồn tại ở Hội An đều mang đậm dấu ấn Trung Hoa. Có tài liệu còn cho biết, nhiều nhà cổ, hội quán được tháo dỡ từ quê hương của những người Hoa Minh Hương và chở bằng tàu sang lắp ráp lại tại Hội An.

Bên cạnh người Hoa, các thương nhân Nhật Bản cũng để lại cho Hội An những dấu ấn thông qua kiến trúc, tuy bây giờ chỉ còn sót lại rất ít ở một số chi tiết trang trí. Tương truyền rằng Chùa Cầu là một công trình được xây dựng bởi một thương gia Nhật ở khoảng giữa thế kỷ XVI, tuy nhiên qua nhiều lần trùng tu, những nét kiến trúc đặc trưng cũng dần bị mất đi.

Hơn nữa, trước khi trở thành một thương cảng thương mại phồn thịnh, Hội An vốn là Đại Chiêm Hải Khẩu của Vương quốc Chămpa.

Từ những dấu tích lịch sử, ta thấy rằng kiến trúc ở Hội An rất đa dạng và lâu đời, là sự kết hợp kiến trúc của các dân tộc Chăm, Hoa, Việt, Nhật. Trải qua một quá trình hình thành lâu đời và những biến động đáng kể trong lịch sử, may mắn thay Hội An vẫn bảo lưu được gần như nguyên vẹn quần thể kiến trúc của một thương cảng cổ, để ngày nay thế hệ con cháu chúng ta vẫn còn được chiêm ngắm vẻ đẹp trầm mặc, xưa cũ ấy.

Một số phác thảo trong quá trình sáng tạo bối cảnh trong phim.

Kiến trúc nhà đặc thù

Trải qua hàng trăm năm chung sống và chia sẻ các giá trị văn hoá với các dân tộc Chăm, Hoa, Nhật, chúng ta có được một Hội An với quần thể kiến trúc đa dạng, bao gồm 1360 di tích, danh thắng, có thể kể đến như: nhà cổ, nhà thờ tộc, chùa, đình, miếu thờ thần, giếng nước cổ, cầu, hội quán và ngôi mộ cổ loại đặc biệt.

Nghiên cứu đã chỉ ra có sự kết hợp giữa kiến trúc của người Việt cổ và các dân tộc khác đã từng sinh sống trên đất Hội An. Đầu tiên là các bộ sườn nhà được cấu thành bởi sự liên kết các vì kèo làm cơ sở chịu lực. Có ba loại vì kèo cơ bản gồm: vì chồng giường (có ở hầu hết các hội quán, nhà thờ tộc và nhà thờ cổ của người Hoa sống ở Hội An); vì liên kết kẻ chuyền (đặc trưng cho kiến trúc của người Việt cổ) và vì liên kết bằng kèo (thường sử dụng trong kiến trúc dân cư Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam).

Bên cạnh kiến trúc sườn nhà, mái ngói cũng là một đặc trưng trong kiến trúc nhà ở Hội An. Có hai loại mái ngói được sử dụng phổ biến là ngói ống và ngói âm dương.

Ngoài ra, "mắt cửa" cũng là một phần kiến trúc quan trọng trong một ngôi nhà ở Hội An. Mắt cửa thường được dùng để trang trí phía trên cửa chính, cửa sau, cổng trước và cổng sau trong các ngôi nhà cổ. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 14 kiểu mắt cửa khác nhau với đa dạng hình dáng: hình thái cực, hình hổ, hình dơi, hình chữ thọ, hình cá chép, vân vân. Cặp mắt cửa tuy có cơ sở từ văn hoá, tín ngưỡng của các dân tộc từng sinh sống ở Hội An, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có nghiên cứu nào đủ cơ sở khẳng định đầy đủ ý nghĩa của nó trong đời sống văn hoá tâm linh của người dân Hội An nói riêng và người Việt nói chung.

Như vậy, có thể kể đến những kiến trúc đặc trưng của nhà ở Hội An như: kết cấu kèo chồng, mái ngói, có tính đối xứng, cơ bản vẫn là kiến trúc mang nhiều đặc trưng của miền Trung Việt Nam, người Hoa, người Nhật từng sinh sống ở Hội An đã thêm vào những trang trí đặc trưng của họ. Từ đó ta có một Hội An cổ kính, mộc mạc và thật đặc biệt.

Một ý tưởng khác kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Con người Hội An

Hội An ngày xưa nổi tiếng là một thương cảng phồn thịnh bậc nhất Đông Nam Á, thế nên nghề bán buôn có lẽ đã trở thành một phần không thể tách rời đối với người dân nơi đây. Dù là một bát mì cao lầu trong nhà hàng, hay một chén chè nơi lề đường, chúng ta đều thấy được mùi vị đậm đà, phảng phất chất quê và sự nồng hậu của những người bán. Bên cạnh những ngôi nhà cổ, những con người với gánh hàng rong cũng được coi là một "di sản", bởi những gánh hàng rong của họ đã tạo nên một chất riêng cho Hội An, cũng như sự bình dị và đôn hậu của họ chính là điều níu chân du khách. Hội An không quá đông đúc, nhộn nhịp, nhưng đủ ấm áp để làm một người đã từng ghé qua muốn quay trở lại. Đến Hội An, ta thấy những niềm vui đơn giản như được ăn hàng và nghe những câu chuyện bâng quơ của các cô chú bán hàng.

Một thiết kế miêu tả các nhân vật tại Linh Giới.

Hội An còn có những nghệ nhân, những người tạo nên đèn lồng, vải lụa. Họ là những người tạo ra "phần hồn" cho thành phố, vì Hội An sẽ không thể đầy đủ nếu như thiếu những chiếc đèn lồng, những tiệm may, cũng như thiếu đi những con người luôn đau đáu với trách nhiệm làm nghề cổ truyền, giữ lại nét cổ điển cho Hội An trong một thế giới đang hội nhập và phát triển không ngừng.

Hội An như một giai nhân, là một nguồn cảm hứng bất tận cho những văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ và cả nhạc sĩ. Các hoạ sĩ của nhà Báo đã đem một phần Hội An vào tác phẩm của mình, xây dựng nên cả một thế giới mơ mộng, huyền ảo, thể hiện qua phim ngắn U Linh Tích Ký. Hy vọng những thước phim này cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem như việc Chế Lan Viên nhớ Hội An như nhớ về một mùi hương khó phai...

Trích nhật ký những ngày làm phim

Yên Tâm

Tư liệu tham khảo:


Đón đọc những bài viết khác của chúng tôi tại đây :