Nhật ký làm phim: Hệ sinh thái Linh Giới

Ngay từ khi bắt đầu hành trình làm phim hoạt hình của mình, chúng tôi đã lựa chọn một con đường dài hơi và có lẽ là rất khó: Xây dựng một thế giới mới mà ở đó chúng tôi có thể kể vô vàn câu chuyện của riêng mình.

LINH GIỚI

Linh Giới là một thế giới như thế. Một thế giới được chúng tôi sáng tạo trên nguồn cảm hứng tâm linh của người Việt Nam. Chính sự “rộng lớn” theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng đã ngốn của chúng tôi hơn 3 năm trời vật lộn, khám phá, thử và sửa. Đó là cả một hành trình tuyệt vời.

Cảm hứng lớn để chúng tôi phát triển Linh Giới đến từ hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình, Việt Nam.

Nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/31968

Những sinh vật xuất hiện trong Linh Giới đều vô cùng kì diệu và độc đáo. Các sinh vật được sáng tạo từ các câu chuyện dân gian hay các sinh vật thật đang “định cư” tại các vùng miền Việt Nam.

Dã tượng hay còn gọi là Ông Voi Chiến làm việc trong hàng ngũ Linh Cảnh, những người bảo vệ Linh Giới. Ông Voi Chiến được sáng tạo trên nguồn cảm hứng từ loài voi Việt Nam, đã tham gia chiến đấu trong các công cuộc bảo vệ đất nước từ ngàn xưa.

Ma Lon được thuê để bảo vệ những ngôi mộ của người quá cố. Cái tên đã nói lên tất cả về nguồn cảm hứng của nhân vật này. Trò chơi này bắt nguồn từ miền Nam, một nghi thức gọi hồn dành cho trẻ con. Nghe có vẻ hơi “đáng sợ” nhỉ? Ban ngày, Ma Lon của Linh Giới chỉ thích ngủ mà thôi.

Linh Giới tồn tại bên dưới Nhân Giới (thế giới con người) và được chống bằng cái cây khổng lồ, gọi là Cây Nhân Quả.

CÂY NHÂN QUẢ

Linh Giới vô cùng rộng lớn và hoang sơ. Trung tâm của Linh Giới là CÂY NHÂN QUẢ khổng lồ. Tán cây của nó lớn đến nỗi che phủ khắp Linh Giới. Cũng chính vì vậy mà dù Linh Giới có chia ra ngày và đêm thì bầu trời cũng như nhau. Điều thú vị là bầu trời Linh Giới thay đổi theo mùa.

Từ lúc bắt đầu, thế gian này đã được chống bằng Cây Nhân Quả. Sinh mệnh vạn vật đều gắn liền với cây, vì dù là Thần, Người, Yêu Tinh hay Ma Quỷ, hành động của mỗi cá thể đều trở thành dinh dưỡng nuôi cây, để rồi cây sẽ trả lại Quả khi chín - quả ngọt hay đắng đều do suy nghĩ, hành động, hay lời nói của cá thể đó mà thành.

Có thể nói Nhân Quả cũng là một khái niệm tâm linh vô cùng đặc sắc trong văn hóa của người Việt Nam. Hãy cùng xem một đoạn video dưới đây để khám phá Cây Nhân Quả được thành hình thế nào trong mắt của các họa sĩ Sun Wolf nhé.

THÀNH PHỐ NHÂN QUẢ

Tồn tại bên dưới cây Nhân Quả là một thành phố rộng lớn với 12 quận gọi là Thành Phố Nhân Quả. Cảm hứng thiết kế của Thành Phố đến từ Hội An. Nơi đây lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống nhưng cũng tiếp thu các yếu tố hiện đại. Có thể nói là thành phố Nhân Quả hiện đại gấp mấy lần thế giới con người.

Thành Phố Nhân Quả lấy cảm hứng chính từ Sài Gòn. Đây là nơi mà các cư dân đổ về sinh sống và làm ăn. Mỗi quận lại nổi tiếng với một đặc trưng khác nhau. Ví dụ quận Heo nổi tiếng với các nhà hàng truyền thống. Câu chuyện U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ diễn ra tại quận Heo này.

Từng yếu tố sáng tạo được chúng tôi nghiên cứu tỉ mỉ từ kiến trúc Việt Nam.

CHỢ TRỜI

Chợ Trời là một cái chợ lơ lửng trên không, với nhiều tàu thuyền qua lại. Chợ Trời lấy cảm hứng từ chợ nổi Việt Nam. Xung quanh chợ có nhiều chòi, cửa hàng, được nối với nhau bởi những dây cầu treo. Chợ Trời là một đặc trưng của Linh Giới. Cư dân ở đây có luật lệ của riêng mình. Chợ Trời không cố định một nơi mà di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Còn rất nhiều điều đang đợi chúng tôi và các bạn khám phá. Hãy theo dõi Sun Wolf Animation Studio nhé.

Nhật ký làm phim: Mang văn hóa Việt lên phim hoạt hình

Văn hóa – một cụm từ quen thuộc nhưng nếu bảo định nghĩa nó là gì thì có lẽ khó ai có thể trả lời một cách dễ dàng và nhanh chóng. Và quảng bá văn hoá từ lâu đã là một sứ mệnh ngầm của điện ảnh của các nước. Dù trực tiếp hay gián tiếp, các đạo diễn tài hoa luôn có cách để lồng ghép các yếu tố văn hoá vào bộ phim của mình.

Những câu chuyện, nhân vật và tình huống trong phim đều có thể phản ánh một nét văn hoá nào đó. Một nhân vật trong phim có thể đang trải qua tình huống mà có khi chúng ta cũng đang gặp phải và cùng đối mặt với những vấn đề tương tự nhau. Thông qua một lăng kính rộng lớn hơn, cốt truyện tổng thể của câu chuyện có thể giống với nền văn hóa mà chúng ta biết và các vấn đề hiện tại của nó từ chiến tranh, nghèo đói, phân chia giai cấp, phân biệt chủng tộc, các vấn đề môi trường hay những vấn đề khác.

Không nói đâu xa đến các bộ phim Âu Mỹ, ngay tại điện ảnh châu Á, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… đã rất thành công trong việc quảng bá văn hoá nước nhà đến với các khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Từ văn hoá giao tiếp đến ẩm thực hay thậm chí là lịch sử, chúng ta đều có thể xem và nghiền ngẫm qua những thước phim. Không gượng ép hay khiêng cưỡng, tất cả đều được lồng ghép, được đề cập đến một cách nhẹ nhàng, hài hoà, ấy vậy mà lại khiến bao khán giả ghi nhớ một cách sâu sắc. Rõ ràng, dùng điện ảnh để quảng bá nét văn hoá của một dân tộc, một quốc gia là một điều hoàn toàn có cơ sở để thực hiện và phát triển.

Báo Dân tộc từng đưa nhận định của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh rằng: “Trong thời đại công nghệ số, thời đại mà robot biết sáng tác nhạc, vẽ tranh hay viết kịch bản... thì chỉ có một thứ không thể nào bị nhận xét là vay mượn, đạo nhái, đó chính là văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia, bởi bản sắc là duy nhất”. Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, bên cạnh các bộ phim giải trí và thương mại thì những bộ phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Sài Gòn anh yêu em, Mắt biếc, Dạ cổ hoài lang… đã được mạnh dạng khai thác và tôn vinh các nét văn hoá đẹp của Việt Nam.

Hay ở mảng phim hoạt hình, quảng bá văn hoá vẫn luôn là một chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tôi nhớ mãi bộ phim Upin and Ipin của Malaysia, một đất nước vốn không nổi tiếng với điện ảnh hay hoạt hình lại được trẻ em trên khắp thế giới biết đến, những nét văn hoá độc đáo của quốc gia này lại được quảng bá khắp nơi. Có thể nói rằng Upin và Ipin đã thành công trong việc quảng bá văn hóa dân gian Malaysia và đã khắc họa đáng kể nghệ thuật, các giá trị văn hoá của Malaysia bằng cách thể hiện rõ mối quan hệ hài hòa giữa các xã hội, nhóm hoặc nền tôn giáo khác nhau của đất nước này.

Chẳng nói đâu xa, văn hoá dân gian Việt Nam có rất nhiều chất liệu, khía cạnh để khai thác và quảng bá. Sẽ thật là thiếu sót nếu như chúng ta không kể đến những bộ phim như Chuyện Ông Gióng, Cái Tết của mèo con, Trê Cóc, Dế mèn phiêu lưu ký, với những đề tài rất gần gũi, thú vị, xoay quanh những câu chuyện, văn hóa dân gian, cổ tích của Việt Nam. Đừng nghĩ khán giả ngày nay không thích những bộ phim tôn vinh, ca ngợi văn hoá Việt Nam mà trái lại, họ rất yêu thích và sự kì vọng của họ dành cho những bộ phim này cũng rất cao. Đó cũng chính là một trong những thách thức của các nhà làm phim. Nhưng không phải cứ khó là lại bỏ qua, thay vào đó, các nhà làm phim, đạo diễn luôn cố gắng khai thác từng chi tiết nhỏ để khắc hoạ nét văn hoá độc đáo của dân tộc Việt.

Dự án U LINH TÍCH KÝ của chúng tôi cũng vậy, phim ra đời với một khát khao mong muốn chứng minh người Việt Nam có thể tạo ra những thước phim hoạt hình thật sự chất lượng, mãn nhãn, đủ sức nặng để đem lại niềm tin cho những người muốn làm phim hoạt hình, nhà đầu tư và khán giả. Không chọn những thứ vĩ đại hay rầm rộ, chúng tôi tôn vinh từng nét nhỏ độc đáo trong văn hoá Việt. Chúng tôi khai thác đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay, chúng tôi khắc hoạ rõ nét hơn con Nghê – một linh vật độc đáo trong văn hoá cổ truyền của người Việt, chúng tôi mang đến những hình ảnh trực quan sinh động của bún cá – một món ăn truyền thống của Việt Nam, có mặt dọc chiều dài đất nước với nhiều nét biến tấu thú vị.

Điều quan trọng với chúng tôi ngoài câu chuyện để lại dấu ấn với giới trẻ chính là góp phần tạo nên bản sắc riêng cho hoạt hình Việt Nam, và mang một sự kì vọng đầy lạc quan hơn cho những người trẻ Việt về hoạt hình Việt Nam. Cũng bởi vậy mà trong suốt quá trình làm phim, chúng tôi dù đôi lúc có than thở “khó ghê” nhưng rồi cũng vỗ vai nhau mà nói: “Khó cách mấy cũng phải làm cho bằng được”.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Đại Lâm Mộc


Đón đọc những bài viết khác của chúng tôi tại đây :

Nhật ký làm phim: Bối cảnh

Bối cảnh (Background) là một phần vô cùng quan trọng trong phim hoạt hình. Điều cơ bản nhất là nó giúp chúng ta biết từng tình huống trong câu chuyện đang diễn ra ở đâu. Đội ngũ thực hiện toàn bộ bối cảnh trong tập phim hoạt hình U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ bao gồm 3 người, một con số khá khiêm tốn.

Chợ trời, một trong những địa điểm thú vị trong dự án Hành Trình Nhân Quả.

Ở một bài viết dài hơn, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn về cách thức chúng tôi xây dựng các bối cảnh trong phim như thế nào. Còn hôm nay chúng tôi sẽ kể cho các bạn 2 câu chuyện ngoài lề liên quan đến công việc của đội ngũ làm bối cảnh.

Bạn muốn làm một mình hay làm với đội ngũ

Anh đạo diễn hay đùa vui rằng:

Nếu em thích làm một mình thì em vẽ sao cũng được.

Đây cũng là một trong những kinh nghiệm xương máu của chúng tôi. Năm 2019 khi chia sẻ teaser đầu tiên của dự án phim dài trong Hành Trình Nhân Quả, toàn bộ bối cảnh trong teaser đều được thực hiện bởi một bạn họa sĩ duy nhất, đó là Tín. Dù lúc đó cũng có một vài họa sĩ khác trong nhóm nhưng Tín có kinh nghiệm nhất và tạo ra được cái cảm xúc của phim. Chỉ có điều đó là lần đầu tiên Tín vẽ bối cảnh cho phim hoạt hình nên còn nhiều thứ để học. Một trong những điểm mạnh của Tín là khả năng đi mảng nhanh và chọn lựa màu sắc. Tuy nhiên Tín lại không có khả năng đi chi tiết sâu. Điều quan trọng nhất là phong cách Tín xây dựng cho phim hoạt hình cần nhiều thời gian cho các bạn khác để học hỏi và áp dụng. Việc này cũng nằm trong kế hoạch của chúng tôi nhưng sau đó vì một vài lý do cá nhân, Tín không thể tiếp tục và việc đào tạo cũng không triển khai được. Kể từ sau đó, chúng tôi buộc phải thay đổi phong cách một lần nữa. Phong cách mới trong phim là những gì các bạn thấy, có chiều sâu hơn, nhiều chi tiết hơn, thỏa mãn hơn và cũng tốn thời gian hơn. Tất cả cũng nhờ có Mỹ. Mỹ tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật xong là “mần” với chúng tôi từ đó đến giờ. Điều khác biệt là Mỹ và các bạn trong nhóm đã có thể chia sẻ công việc cùng nhau và nắm bắt được phương pháp vẽ cùng nhau.

TỈA: từ lóng ám chỉ bạn vẽ một cái gì đó rất chi tiết và mất thời gian.

Một ngày nọ khi anh đạo diễn chia sẻ một trong những thước phim hoàn chỉnh đầu tiên với cả nhóm. Mọi người đều háo hức. Tuy nhiên Đạt lại trăn trở.

Đạt: Em giận anh lắm!
Anh Leo: Sao thế?
Đạt: Em tỉa kỹ mấy cái background như vậy mà anh làm mờ hết của em?
Anh Leo: Trời! Nhờ em tỉa kỹ mà làm mờ mới đẹp được vậy.
Đạt: Nhưng mà có mấy phim hoạt hình họ đâu làm mờ đâu.
Anh Leo: Thì phim mình khác. Tùy cảnh mà bối cảnh sẽ mờ hay không, như camera thực tế thôi.

Có vẻ không thuyết phục lắm !?!!!

Anh Leo: Thôi được rồi, anh sẽ làm một bản không mờ tri ân team background.
Đạt: Anh nhớ nha :))

Anh đạo diễn hay bảo chúng tôi rằng tùy cảnh hãy tỉa kỹ để giảm tải công việc không cần thiết. Ban đầu thì các bạn có cân nhắc nhưng làm riết lại quay về “thói cũ”. Xong anh bảo: “Thôi kệ, thích tỉa thì anh cho tỉa, để các bạn thỏa mãn cái tính nghệ sĩ của mình mà làm cho tốt”.

Chuyện làm phim hoạt hình không bao giờ là chuyện cá nhân cả các bạn à. Nó là cả một văn hóa làm việc tập thể nữa.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Nhật ký làm phim: Nhà Gạo

Gạo, là nhà một cô bé sống tại Nhân Giới. Sau này cô bé vì vô tình đã bị…. À mà thôi nói trước không hay.

Nhưng tại sao lại nói về nhà Gạo. Bởi vì đây là cái nhà mà vất vả lắm chúng tôi mới vẽ nó ra đúng được ý đồ của anh đạo diễn. Nhà Gạo rất rộng nhưng cô bé chỉ sống một mình với bà. Căn nhà cũ nằm trong một con hẻm Sài Gòn và được xây từ rất lâu, những năm 1990. Trước nhà là một khoảng sân lớn có một cái cây to che bóng mát.

Không phải nhà này các bạn ạ. Nhà này thì giống ở vùng quê xa Sài Gòn hơn.

Nhà Gạo này lại càng không đúng vì trông xa hoa quá. Nắm được tinh thần của nhà Gạo là một chuyện không hề dễ. Đây chỉ là một trong vô vàn ý tưởng không được duyệt.

Chúng tôi bắt đầu lại từ đầu bằng việc hiểu thêm về bối cảnh và nơi câu chuyện bắt đầu. Đây là một trong những con hẻm dẫn vào nhà Gạo. Chúng tôi còn lên cả sơ đồ bố trí một góc của khu phố nơi Gạo sinh sống.

Và cuối cùng chúng tôi có nhà Gạo, và chỉ dành cho Gạo. Một không gian sống thân thuộc nhưng ngày càng hiếm gặp ở Sài Gòn.

Phải còn lâu lắm Gạo mới được lên phim. Các bạn hãy đón chờ nhé.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Nhật ký làm phim: Kịch bản hình ảnh, Storyboard

Hôm nay chúng mình nói về quy trình làm phim. Nếu bạn chưa biết thì một trong những bước quan trọng là làm Storyboard, dịch ra tiếng Việt là kịch bản hình ảnh. Storyboard là tổng hợp các khung hình vẽ (đa phần là trắng đen) được xếp theo một trật tự miêu tả sự tiếp nối các hành động, tình huống trong phim. Nói một cách dễ hiểu thì giống như bạn đọc truyện tranh, mỗi khung hình sẽ nói cho bạn một thông tin nào đó, như cảm xúc của nhân vật hay hành động của họ. Hành động càng nhiều thì họa sĩ càng vẽ nhiều khung hình khác nhau. Storyboard cho phim hoạt hình cũng dựa trên nền tảng đó, nhưng kỹ thuật sẽ khác đôi chút. Dưới đây là một ví dụ.

Storyboard cũng là một cách để mọi người trong đoàn phim hiểu về câu chuyện và công việc họ sẽ làm một cách trọn vẹn. Các khung hình trong storyboard không cần phải vẽ quá kỹ hay đẹp xuất sắc như các trang truyện mà cần những thông tin quan trọng về cảm xúc, diễn xuất, góc máy, không gian, phối cảnh, chuyển cảnh... Nói chung là rất nhiều thứ mà một họa sĩ storyboard phải tính tới. Nếu Director là đạo diễn phim thì họa sĩ storyboard (Storyboard Artist) giống như một mini Director. Thường hai nhân vật này sẽ ngồi làm việc chặt chẽ với nhau.

Phim của tụi mình cũng có Storyboard và điều đặc biệt là 4 tháng trước khi tới hạn nộp phim tụi mình còn sửa storyboard. Cho đến hiện tại, chúng mình có một bộ sưu tập storyboard. Cùng một câu chuyện nhưng lại có rất nhiều cách để kể. Bên dưới là một trong những storyboard đi theo hướng hành động kungfu đầy máu lửa.

Phim ngắn của tụi mình có rất nhiều họa sĩ storyboard tham gia, cũng phải tới 6-7 người để bù đắp cho những thiếu sót của nhau. Nghe công phu quá nhỉ. Mỗi bạn lại có sự sáng tạo khác nhau, nhờ vậy mà chúng tôi có được những góc nhìn thú vị cho câu chuyện của mình.

Với công nghệ bây giờ thì bạn có thể vẽ storyboard trên máy, vô cùng nhanh và tiện lợi. Nhưng nếu không có máy tính, bảng vẽ thì... không sao cả, tụi mình vẽ trên giấy. Vẽ bằng gì, hay thế nào không quan trọng. Quan trọng là sự rõ ràng trong mỗi khung hình. Rõ ràng ở đây là thông tin bạn muốn khán giả thấy được.... Túm lại là vẽ storyboard quan trọng lắm và phim chúng mình có storyboard các bạn nhé ^^.

Tụi mình vẽ cả storyboard trên giấy và máy tính nè.

Trích nhật ký những ngày làm phim.