Tổng quan về IP

IP là gì?

IP là từ viết tắt cho Intellectual Property, là một thuật ngữ ám chỉ những sản phẩm sáng tạo của trí óc và được pháp luật bảo vệ. Ví dụ như một thiết kế nhân vật, một bản nhạc, một cuốn tiểu thuyết, một khẩu hiệu quảng cáo, một công thức hoặc một phát minh…

Cũng giống như những loại tài sản hữu hình khác (Ví dụ như đất đai, nhà ở), nếu bạn là chủ sở hữu các tác phẩm của mình thì bạn có toàn quyền kiểm soát việc khai thác các tác phẩm của mình trong khoảng thời gian theo quy định của pháp luật.

Có bao nhiêu loại IP?

IP được chia thành 4 nhóm chính

  1. Copyright hay Tác quyền: Là một thuật ngữ dùng để chỉ quyền sở hữu của tác giả lên các tác phẩm nghệ thuật bao gồm: âm nhạc, kịch, phim ảnh, hội họa, thiết kế, nhiếp ảnh,…  Một điểm cần lưu ý đó là một tác giả sẽ có tác quyền ngay sau khi họ viết, vẽ hoặc thiết kế một tác phẩm. Một cá nhân có thể nộp đơn xin đăng ký bản quyền trực tuyến hoặc trực tiếp. Bản quyền đã đăng ký thường kéo dài trong suốt cuộc đời của tác giả cộng thêm 70 năm.

  2. Trademark hay Nhãn hiệu: Là dấu hiệu phân biệt, nhận biết giữa những doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu và biểu tượng để được sử dụng trên hàng hóa và dịch vụ của họ. Ví dụ: từ “Coca-Cola”; “Pepsi”; “Amazon” hay “Shopee” đều là một nhãn hiệu. Thời gian bảo hộ của nhãn hiệu là 10 năm liên tiếp. Có thể gia hạn nhiều lần và mỗi lần là 10 năm.

  3. Patent hay Bằng Sáng Chế: Là quyền công nhận và sở hữu một phát minh trí tuệ nào đó. Ví dụ: Nobel phát minh ra thuốc nổ Dynamite

  4. Bí mật kinh doanh: Là những công thức, thiết kế hoặc quy trình được sử dụng trong một doanh nghiệp để cung cấp lợi thế cạnh tranh. Ví dụ: Thiết kế chiếc điện thoại iPhone của Apple

Vậy việc đăng ký bảo hộ đem lại những lợi ích nào?

Có rất nhiều lợi ích khi bạn đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ

  1. Tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ: Bạn có thể ngăn chặn các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng một ngành sao chép, sản xuất, sử dụng hoặc bán sản phẩm của bạn. Ví dụ như biểu tượng quả táo cắn dở của Apple. Apple có thể ngăn không cho các thương hiệu khác sử dụng nhãn hiệu tương tự hoặc gần giống của họ. Điều này làm cho mỗi khi nhắc đến biểu tượng quả táo, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến Apple đầu tiên.

  2. Tăng khả năng tài chính cho doanh nghiệp thông qua các thỏa thuận cấp phép, nhượng quyền, sát nhập hoặc mua lại: Ví dụ, nếu bạn đang là chủ một doanh nghiệp và có ý định bán lại doanh nghiệp của mình, số tiền bạn kiếm được sẽ nhiều hơn hơn nếu bạn được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ.

Pinkfong là một ví dụ thành công điển hình cho các hoạt động kinh doanh phát triển IP. Nổi tiếng nhất trong số đó chính là bài hát “Baby Shark” với lượt xem trên YouTube lên đến hơn 11 tỷ. Baby Shark nổi tiếng đến mức mọi người còn nói vui với nhau rằng đây là “thánh ca” của thiếu nhi. Dựa trên sức mạnh IP mạnh mẽ của Pinkfong và sự thành công của Baby Shark, công ty mẹ đã thành công mở rộng hoạt động kinh doanh và đem về nguồn doanh thu khổng lồ từ YouTube, phim, hoạt hình, âm nhạc, biểu diễn, trò chơi và merchandise.

Việt Nam cũng có các IP rất thành công như Thỏ Bảy Màu, Én hay Wolfoo. Thỏ bảy Màu là nhân vật hư cấu quốc dân của giới trẻ với nhiều sản phẩm nóng hổi như truyện tranh, phim hoạt hình. Còn Wolfoo lại vô cùng nổi tiếng với trẻ em khắp toàn cầu.

Sức hút của Thỏ Bảy Màu là vô cùng lớn. Video Thần Bài Miền Tây đạt top 1 trending youtbe sau 4 ngày và thu về hơn 13tr lượt xem trong 4 tuần.

Có thể thấy rõ, cơ hội để khai thác hoạt động kinh doanh từ IP là vô cùng lớn. Vậy bạn có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh IP của riêng mình bằng cách nào?

Dưới đây là 4 gợi ý phổ phiến nhất về cách thức thương mại hóa IP 

  • Cách 1 - Licensing (Cấp phép): Nghĩa là bạn có thể cho phép các thương hiệu sử dụng IP của bạn để làm mới sản phẩm, tăng lượng người hâm mộ hoặc tăng doanh thu của họ. Ví dụ Én x Coolmate để hình ảnh của Én xuất hiện trên áo thun Coolmate.

  • Cách 2 - Tự kinh doanh các sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên IP của chính bạn.

  • Cách 3 - Cung cấp dịch vụ tư vấn và phát triển IP cho các công ty hoặc cá nhân đang có nhu cầu bảo vệ và thương mại hóa IP của chính họ

  • Cách 4 - Bạn cũng có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để chống lại các bên đang khai thác và sử dụng IP của bạn một cách bất hợp pháp

Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã hiểu thêm về định nghĩa IP cũng như những lợi ích mà IP mang lại, từ đó có thể chọn cho mình những hướng đi phù hợp nhé!

Mavis Dương/Leo DINH - Sun Wolf Animation Studio